HOẠT ĐỘNG UBND XÃ
Lịch sử, truyền thống văn hóa xã Chiềng Mai

Trụ sở Đảng ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân xã Chiềng Mai

1. Quá trình hình thành và phát triển:

Trải qua quá trình vận động và phát triển của lịch sử, Chiềng Mai nhiều lần có sự thay đổi về địa dư hành chính và tên gọi. Thời Hậu Lê ( 1428 – 1789), địa bàn xã Chiềng Mai thuộc châu Thuận, phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hóa. Đến niên hiệu Cảnh Hưng ( 1740 – 1786), chúa Trịnh Sâm chia châu Thuận thành 3 châu là: Sơn La ( Mường La), Mai Sơn, Tuần Giáo; địa bàn Chiềng Mai thuộc châu Mai Sơn, phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hóa.

Năm 1895, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Vạn Bú; đến năm 1904, tỉnh Vạn Bú đổi thành tỉnh Sơn La. Địa bàn Chiềng Mai thuộc châu Mai Sơn, tỉnh Sơn La; Chiềng Mai bao gồm các bản: bản Cơi, bản Pòn, bản Vựt, bản Cứp,  bản Ban, bản Co Sâu, bản Dăm, bản Puốn, bản Vạy và Mường Mụa ( bản Ban ngày nay).

Sau cách mạng tháng  Tám năm 1945, để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định giữ nguyên đơn vị hành chính tỉnh, châu ( huyện), xã và bãi bỏ cấp tổng. Theo đó, xã Chiềng Dăm ( Xổng Cuông) được thành lập gồm có 10 bản: bản Cơi, bản Pòn, bản Vựt, bản Cứp, Mường Mụa ( năm 1955 đổi tên thành bản Ban), bản Cuộm, bản Co Sâu, bản Dăm, bản Vạy, bản Puốn.

Năm 1953, xã Dong Dăm được thành lập trên cơ sở hợp nhất 10 bản: bản Cơi, bản Pòn, bản Vựt, bản Cứp, Mường, bản Cuộm, bản Co Sâu, bản Dăm, bản Vạy, bản Puốn thuộc xã Chiềng Dăm ( Xổng Cuông) và 7 bản: bản Nghịu, bản Dè, bản nà Khoang, bản Khoang, bản Liềng, bản Cọ, bản Lo Um của xã Chiềng Dong ( Xổng Dọng).

Ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 230/SL về việc thành lập Khu tự trị Thái – Mèo. Ngày 07/5/1955, Khu tự trị Thái – Mèo chính thức được thành lập. Hệ thống bao gồm 3 cấp: khu, châu, xã ( không có cấp tỉnh). Xã Dong Dăm thuộc châu Mai Sơn, Khu tự trị Thái – Mèo.

Cuối năm 1955, xã Dăm Dong được tách thành 2 xã: xã Chiềng Dong và xã Chiềng Dăm thuộc châu Mai Sơn. Xã Chiềng Dăm gồm 10 bản: bản Cơi, bản Pòn, bản Vựt, bản Cứp, bản Ban, bản Cuộm, bản Co Sâu, bản Dăm, bản Vạy, bản Puốn. Đến năm 1957, Chiềng Dăm được đổi tên thành xã Mường Mụa. Năm 1960, xã Mường Mụa được đổi tên thành xã Chiềng Mai cho đến nay.

Sau hòa bình lập lại, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, do cơ sở vật chất của huyện còn nhiều khó khăn, song phải tập trung ổn định các cơ quan huyện để lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Ban cán sự Đảng Mai Sơn quyết định chọn Chiềng Mai là Châu lỵ cũ làm trung tâm, đặt trụ sở làm việc của các cơ quan huyện:

Khối cơ quan Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện ( từ năm 1976 gọi là Ủy ban nhân dân) đóng ở bản Ban. Sau khi chuyển đến vị trí mới ( Thị trấn Hát Lót), cơ sở vật chất của khối Huyện ủy được bàn giao cho trường cấp II ( Trường Trung học cơ sở Chiềng Mai); khu nhà làm việc của khối Ủy ban hành chính huyện được bàn giao cho trường cấp I ( Trường Tiểu học Chiềng Mai).

Huyện đội ở Cọ Món ( thuộc bản Ban).

Công an huyện ở bản Vựt ( nay là bản Vựt Bon).

Bệnh viện huyện ở bản Hán ( thuộc bản Ban).

Cửa hàng bách hóa tổng hợp huyện ở bản Ban nay là trụ sở Ủy ban nhân dân xã Chiềng Mai.

Ngoài ra còn một số các cơ quan của Quân khu Tây Bắc, cơ quan của tỉnh, huyện… trong đó có Viện Quân y6 đóng tại bản Dăm và bản Puốn. Trường Quân y Quân khu Tây Bắc đóng tại bản Cuộm. Trường cấp III ( Trường Trung học phổ thông) huyện Mai Sơn đóng tại bản Cứp.

Ngày 27/10/1962, Quốc hội thông qua Quyết định đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc. Ngày 24/12/1962, tỉnh Sơn La chính thức tái lập, xã Chiềng Mai thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, Khu tự trị  Tây Bắc.

Ngày 27/12/1975, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Nghị quyết bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính cuar nước ta và hợp nhật một số tỉnh. Xã Chiềng Mai thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Cuối năm 1977, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các ban ngành, đoàn thể huyện Mai Sơn chuyển từ xã Chiềng Mai sang Thị trấn Hát Lót. Cơ sở vật chất của huyện Mai Sơn được giao lại cho Đảng bộ, chính quyền xã Chiềng Mai. Đây là điều kiện thuận lợi đối với xã trong việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, để phù hợp với mỗi giai đoạn xã có thành lập thêm một số bản, tiểu khu và đến năm 2015, xã Chiềng Mai có 26 đơn vị bản, tiểu khu; nhưng đến năm 2020 xã lại hợp nhất ghép bản, hiện trên địa bàn xã còn có 11 bản, tiểu khu: bản Cơi Quỳnh, bản Pòn, bản Cứp, bản Vựt Bon, bản Ban, TK Ngã Ba, bản Mé Mận, bản Cuộm Sơn, bản Co Sâu, bản Dăm Hoa và bản Puốn Vạy.

2. Tình hình dân cư:

Năm 2020, toàn xã có 1.279 hộ dân với 5.131 nhân khẩu; trong đó, số hộ dân tộc Thái là 1.072 hộ với 4.473 nhân khẩu, số hộ dân tộc Kinh là 207 hộ với 658 nhân khẩu. Mật độ dân cư tập trung ở khu vực trung tâm xã. Người Thái Đen cư trú ở xã Chiềng Mai từ lâu đời. Thực hiện Dự án di dân lòng hồ Thủy điện Sơn La, năm 2009 có 21 hộ dân với 104 nhân khẩu dân tộc Thái Trắng từ xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai chuyển đến cư trú tại xã Chiềng Mai, với tên bản là Quỳnh Mai, nay sáp nhập thành bản Cơi Quỳnh.

Thực hiện chủ trương đi xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, người Kinh đến định cư trên địa bàn xã Chiềng Mai từ năm 1963, chủ yếu là từ tỉnh Hưng Yên, với tên bản là Hoa Sơn 1 ( nay sáp nhập bản thành Cuộm Sơn), Hoa Sơn 2 ( nay sáp nhập bản thành Dăm Hoa) và Tiểu khu Ngã Ba.

Mỗi dân tộc ở xã Chiềng Mai có nền văn hóa riêng tạo nên nét độc đáo và phong phú về phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Cùng sinh sống trên một dải đất, nhân dân đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau. Đồng bào hoạt động kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Trải qua quá trình lao động, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu về trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng. Sau vụ thu hoạch, đồng bào chọn các loại hạt mẩy, to, đều ( đối với ngô, đỗ, lúa,…) đem phơi khô rồi cất lên gác bếp làm giống cho những vụ tiếp theo.

Từ bao đời, cây lúa là nguồn sống chủ yếu của các dân tộc trên địa bàn xã. Dựa vào địa hình và nguồn nước từ khe suối, đồng bào cùng nhau đào đắp mương, phai đưa nước vào ruộng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất. Bên cạnh trồng trọt, nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi ( gia súc, gia cầm) để vận chuyển hàng hóa, làm sức kéo và nguồn thực phẩm; mở rộng các nghề thủ công như dệt vải, đan mây tre,… Những sản phẩm làm ra không những phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà còn là hàng hóa để trao đổi, mua bán trên thị trường. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhân dân các dân tộc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.

3. Truyền thống văn hóa

3.1. Dân tộc Thái

Dân tộc Thái ở Chiềng Mai thuộc hai ngành: Thái Đen và Thái Trắng, với nhiều dòng họ như Vì, Lò, Cầm, Lèo, Tòng, Quàng, Lường, Hà,… Sản xuất nông nghiệp là kinh tế chủ đạo. Ngoài ngô, lúa người dân tộc Thái còn gieo trồng mọt số loại rau màu, chăn nuôi ( gia súc, gia cầm) lấy sức kéo để phục vụ sản xuất nông nghiệp và thực phẩm hàng ngày.

Phụ nữ Thái đen mặc áo ngắn màu tối ( áo cóm), màu chàm hoặc đen,… bó sát thân với hàng khuy bạc; cổ áo cao ( chạm đến cằm), tròn, đứng. Váy cùng với áo cóm ( xửa cỏm) tạo nên nét chính của bộ nữ phục, bên trong gấu váy có viền vải đỏ. Thắt lưng làm bằng vải tơ tằm hoặc sợi bông, có màu xanh lam, tím sẫm, giữ cho cáp váy quấn chặt lấy thân. Đầu đội khăn piêu có nền đen và thêu hoa văn phong phú, màu sắc sặc sỡ.

Phụ nữ Thái Trắng mặc áo cánh ngắn, màu sáng, cổ áo thấp, rộng, may theo kiểu hình trái tim, cài cúc ( hình bướm, ve, ong) bằng bạc. Thân áo tạo dáng ôm sát người, khi mặc cho vào trong cạp váy. Váy dài màu đen, phía trong gấu đáp vải đỏ. Khăn đội đầu màu đen, nhuộm chàm hoặc khăn len vuông mầu.

Trang phục nam giới gồm: áo, quần, thắt lưng và các loại khăn. Áo có hai loại: áo cánh ngắn và áo dài. Áo ngắn may bằng vải chàm, xẻ ngực, cổ tròn, không cầu vai, có hai túi trước. Áo có đặc điểm nổi bật là màu sắc đa dạng ( chàm, trắng, đỏ, xanh…) Ngày lễ tết, thường mặc loại áo dài xẻ nách phải, màu chàm, đầu quấn khăn, chân đi guốc. Hiện nay, do quá trình giao thoa văn hóa và điều kiện cuộc sống có nhiều biến đổi, nam giới Thái chủ yếu mặc âu phục.

Nhà sàn người Thái là biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên. Trong quá trình làm nhà, người Thái rất coi trọng việc chọn đất, ngày động thổ, chọn người cất nóc. Đất làm nhà phải phù hợp với phong thủy. Nhà thường dựng bên khe suối, sườn đồi và kiêng làm sát vách đứng, không chắn khe suối, khe cạn. Để xem thế đất, gia chủ lấy một dóng tre bổ làm đôi và đào một hố ở giữa khu đất đã chọn ( dài khoảng 30 – 40 cm, theo chiều dọc ngôi nhà định dựng; rộng và sâu từ 10 – 15 cm) rồi đặt nửa dóng trẻ xuống đáy hố cùng 9 hạt thóc: 3 hạt ở đầu ống bên này ( tượng trưng cho con người: chủ nhà và những người trong gia đình), 3 hạt ở giữa ( tượng trung cho vật nuôi), 3 hạt ở đầu ống bên kia ( tượng trưng cho cây trồng), đặt chụm 3 đầu hạt thóc với nhau. Sau khi làm xong, lấy nửa dóng tre còn lại đậy lên trên, lấp đất lại. Sáng hôm sau đến xem, nếu tất cả hạt thóc đều ở nguyên vị trí ban đầu là mảnh đất tốt; nếu các hạt thóc bị xê dịch thì thế đất không thích hợp dựng nhà. Chọn được đất làm nhà, chủ hộ nhờ một số người có uy tín trong bản, có kinh nghiệm chọn ngày tốt để động thổ. Dựa vào lịch của người Thái, ngày dựng nhà phải hợp với tuổi của gia chủ.

Nhà sàn làm bằng các chất liệu lấy từ tự nhiên như: gỗ, nứa, lá,…; mái dựng theo hình mai rùa ( theo truyền thuyết Thần Rùa dạy con người làm nhà theo hình rùa đứng). Cột nhà là cây gỗ lớn được đẽo tròn, có đường kính khoảng 15 – 25 cm, chôn sâu từ 0,8 – 1 m. Đối với nhà của người Thái Đen, ở hai đầu hồi có cắm khau cút ( 2 thanh gỗ hoặc tre cắm chéo hình chữ X’ là nét chữ của người Thái được cải biến gọi là chữ Táy, nghĩa là bản của người Thái).

Các gian và bậc cầu thang thường mang số lẻ, bởi quan niệm số lẻ là số phát triển. Đối với nhà sàn của người Thái  Trắng gian chính giữa trang trọng nhất, nơi đặt bàn thờ; trong khi đó đối với nhà sàn của người Thái Đen, bàn thờ đặt ở cạnh gian đầu hồi phía trên bên phải, các gian tiếp theo là nơi ngủ của các thế hệ, từ ông bà, cha mẹ, con cháu trong gia đình. Ngôi nhà có 2 cầu thang: cầu thang đầu hồi “ bên quản” có từ 7 – 11 bậc, dành cho nam giới và khách; “ bên chan” có 9 bậc, dành cho gia đình và phụ nữ. Nhà chia làm 3 tầng: tầng sàn là chỗ nhốt gia súc hoặc để củi; tầng mặt sàn là không gian sinh hoạt của gia đình và gác trên quá giang là nơi để những vật quý. Trong nhà có 2 bếp lửa: bếp lửa chính thường đặt ở giữa ngôi nhà dùng để tiếp khách và bếp lửa còn lại dùng vào việc nấu nướng, sinh hoạt hàng ngày.

Khi dựng xong nhà, gia chủ chuẩn bị nhiều vật dụng như: túi đựng vật chứng sinh, một cái cày, chài, chõ xôi và nồi đặt chõ, dao, chiếu, chăn, đệm,… để làm lễ tân gia. Đoàn người lên nhà mới gồm ông mo, chủ nhà và người thân, hàng xóm. Ông mo đi trước tay cầm nỏ. Theo sau là ông chủ nhà đeo túi đựng vật chứng sinh, một tay cầm chiếc cày; bà chủ gia đình cầm chõ xôi, túi quần áo rồi lần lượt đến từng người trong gia đình và hàng xóm, mỗi người cầm giúp một loại đồ đạc. Dòng người lên cầu thang chính đến sàn “ chan” ông mo cất tiếng đuổi những điều xui quẩy, rủi ro đi. Khi vào nhà, mo đêm túi đựng vật chứng sinh treo vào cột và đặt mâm cơm lên bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên. Đại diện bên ngoại “ lúng ta” nhóm lửa đặt chõ xôi lên bếp, còn hàng xóm sắp xếp đồ đạc vào trong nhà. Hiện nay, do điều kiện sống thay đổi nhiều gia đình chuyển sang nhà nền đất hoặc nhà xây, nhất là khu vực trung tâm xã, nơi gần đường giao thông.

Ẩm thực của người Thái đậm đà, độc đáo. Trong bữa ăn thường có cơm nếp, cơm tẻ, măng, rau, thịt, cá,… và những khẩu vị ưa thích như: chua, cay, đắng. Ngoài ra không thể thiếu những thứ đồ uống dân dã như: rượu sắn, rượu gạo,… Xôi nếp là món ăn truyền thống, chế biến bằng phương pháp đồ cách thủy bằng chõ gỗ. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo, không dính tay. Mùa nào thức nấy, đồng bào đãi khách bằng sản vật địa phương như: măng đắng, măng ngọt, rau cải ngồng,… chấm với gia vị tự chế biến.

Dân tộc Thái quan niệm vòng đời của con người là 100 năm do Then ( Trời) ban cho. Tuy nhiên, có người sống thọ, có người chết yểu do sự khác biệt của thời gian hồn với xác cùng đầu thai. Sau chín tháng mười ngày mang thai, đến lúc chuyển dạ, sản phụ uống nước cây “ mậy phang” ( tô mộc – có tác dụng cầm máu rất tốt) và sinh ngay trong buồng ngủ với sự giúp đỡ của người thân. Đứa trẻ sinh ra được bà đỡ lấy dao đã huơ qua lửa ( hoặc nhúng vào nước sôi) cắt rốn, sau đó tắm rửa và lấy tã lót quấn lại. Khi đầy tháng tuổi thì đưa trẻ được đặt tên. Hiện nay, sản phụ thường sinh ở trạm y tế xã hoặc các bệnh viện.

“ Chọc sàn” là các thể hiện tình cảm độc đáo của nam, nữ Thái Đen trong giai đoạn tìm hiểu. Khi mới tìm hiểu nhau, người con trai thường hẹn người yêu ra ngoài sàn tâm sự. Để tránh lộ bí mật, họ không thể trực tiếp gọi nhau nên đến đêm chàng trai tìm vào chỗ người yêu nằm để ra hiệu cho cô gái ra ngoài nói chuyện. Khi hai bên có tiếng nói chung, chàng trai chủ động báo với cha mẹ người yêu, sau đó mới được công khai vào gặp nhau.

Hôn nhân là một việc có ý nghĩa quan trọng của mỗi thành viên trong cộng đồng. Một đám cưới thường trải qua các bước:

Dạm hỏi: Nhà trai chọn ngày lành nhờ bà mối ( sứ lam) sang nhà gái thăm dò ý kiến và thống nhất ngày làm lễ ăn hỏi.

Đi hỏi: Khi được nhà gái đồng ý, bà mối cùng đại diện họ nhà trai đem lễ vật ( trầu cau, lợn, gà, rượu, gạo,…) sang tổ chức bữa cơm ăn hỏi và định ngày đưa rể, số tiền đền đáp công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ cô gái ( ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh hay sự thỏa thuận giữa hai bên gia đình). Sau khi hai gia đình đồng ý, chàng trai bắt đầu cuộc sống ở rể mang để bố mẹ vợ hiểu rõ về phẩm chất, năng lực. Khi đi ở rể, chàng rể mang theo chăn, đệm, màn, dao, rìu,… được bố trí ở bên đầu hồi ( nơi tiếp khách) và làm việc theo yêu cầu của bố mẹ vợ. Thời gian có thể kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm hoặc tùy thuộc sự thỏa thuận.

Tổ chức đám cưới: Sau khi trả qua thử thách, lẽ cưới chính thức diễn ra để công nhận đôi trai gái thành vợ chồng. Nhà trai sắp lễ vật: lợn, gà, rượu, gạo,… sang nhà gái làm cỗ và cử hai người phụ nữ ( có chồng, gia đình hạnh phúc) đến giờ tốt làm lễ tẳng cẩu – búi tóc cho cô dâu. Khi người con gái thái búi tóc lên cao là dấu hiệu khẳng định người đó có chồng.

Đưa dâu về thăm nhà chồng: Trong ngày cưới, chú rể đưa vợ về nhà mình. Cô dâu mang theo một số chăn gối, váy, áo, khăn piêu làm quà biếu cô, dì, chú, bác,… bên chồng. Khi đến cửa, con dâu được mẹ chồng ra đón và dắt đi một vòng quanh nhà qua bàn thờ tổ tiên để giới thiệu với họ hàng nội ngoại. Nhà trai làm cỗ mời họ hàng tới dự và mọi người tặng lại quà cho đôi vợ chồng trẻ. Sau đó, họ trở lại nhà vợ để tiếp tục ở rể như theo thỏa thuận từ trước của hai bên gia đình. Hết thời gian ở rể, chàng rể làm lễ vật nhỏ xin bên ngoại đưa vợ con trở về nhà mình. Trong dịp này, hai vợ chồng trẻ được bố mẹ vợ chia cho một số tài sản ( tiền bạc, chăn đệm, giường tủ,…) để bắt đầu cuộc sống mới. Bên nội tổ chức làm cỗ mời họ hàng đến chúc mừng.

Dân tộc Thái có chữ viết riêng và nền văn học phong phú với nhiều tác phẩm đồ sộ như: Xống chụ xôn xao ( Tiễn dặn người yêu), Khun Lú – Nàng Ủa ( Tập truyện thơ dài khoảng 2.000 câu),…; truyện cổ: Ải linh cánh ải sưa, Quam khống khái, Sương khắp ai thương binh, Ải khôn hón,… cùng những câu hát giao duyên say đắm lòng người.

Hàng năm, xã Chiềng  Mai tổ chức nhiều lễ hội dân gian như: Xên bản, xên mường ( cùng thần bản mường), xên một lao ( cúng chữa bệnh), xên kẻ khọ ( cúng giải hạn).

Về tục tang ma: Khi người thân qua đời được con cháu tắm rửa, khâm liệm, nhập  quan, phát tang. Cùng lúc đó gia đình nhờ thầy mo và con rể cả đi đào huyệt. Sau khi hoàn thành, con rể cả trở về nhà làm cơ cúng người chết.

Đến giờ đã chọn, thầy mo và con rể cả đọc lời tiễn đưa linh hồn quá cố về mường trời. Sau đó, đưa người chết về rừng chôn cất. Bên cạnh mộ dựng một ngôi nhà sàn nhỏ có 2 cột hoặc 4 cột, tùy thuộc vào từng dòng họ và cây hoa ( đối với đàn ông là hình cột cờ, gắng vải cắt nhỏ có đính các tờ tiền theo thứ tự làm lộ phí đi đường cho người chết; còn với phụ nữ thì mang hình tán hoặc hoa chuối để họ ung dung lên trời vì khi sống quá vất vả). Theo quan niệm, người chết chỉ táng thể xác, còn linh hồn vẫn sống nên người chết cũng được chia tài sản, đó là những vật dụng hàng ngày họ thường dùng. Ba ngày sau khi kết thúc tang lễ, gia đình làm cỗ gọi hồn người chết lên nhà nhập vào tổ tiên. Người Thái ở Chiềng Mai không có tục cải táng.

3.2. Dân tộc Kinh:

Người Kinh đến xã Chiềng Mai xây dựng kinh tế mới từ năm 1963, chủ yếu là từ tỉnh Hưng Yên, sống tập trung ở bản Hoa Sơn 1 ( nay ghép bản thành Cuộm Sơn), bản Hoa Sơn 2 ( nay ghép bản thành Dăm Hoa), và Tiểu khu Ngã Ba. Kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Người kinh ở nhà đất. Trước khi làm nhà, người dân thường trọng việc chọn tuổi, xem hướng ( ca dao xưa có câu “ lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Vì hướng Nam đón nhận được nhiều ánh sáng, tránh nắng gắt; đồng thời, nhận nhiều gió mát, tránh gió lạnh) và ngày đẹp đẽ để đặt móng. Khuôn viên nơi ở được bố trí hài hòa với khủng cảnh tự nhiên và chú trọng các yếu tố phong thủy. Ngôi nhà chính thường có kết cấu 3 gian hoặc 5 gian, tùy theo điều kiện từng gia đình; gian giữa – gian quan trọng nhất, nơi đặt bàn thờ tổ tiên; các gian còn lại dùng để nghỉ ngơi, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.

Tục hôn nhân: Dưới chế độ phong kiến, việc dựng vợ, gả chồng của con cái đều do cha mẹ định đoạt “ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thường phải “ môn đăng hộ đối”. Lễ cưới tiến hành theo các bước: Dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới và lại mặt. Hai bên gia đình có tiếng nói chung thì trai gái chọn người mai mối ( ăn nói lịch thiệp, gia đình hòa thuận) đến nhà gái thuyết phục. Bên nhà gái đồng ý, nhà trai đem trầu cau đến dạm hỏi ( chạm ngõ).

Lễ ăn hỏi: Cha chàng trai cùng với người mai mối mang cau trầu, trà rượu,… đến nhà gái làm sính lễ và hẹn ngày giờ, lễ vật để tổ chức ngày cưới.

Lễ cưới: Đúng “ ngày lành tháng tốt”, họ nhà trai đưa chú rể đến đón dâu. Lễ vật mang sang được đưa lên bàn thờ tổ tiên trước sự chứng kiến của hai bên gia đình. Có dâu, chú rể thắp nhang kính cáo tổ tiên bên vợ và trao nhẫn cưới. Đại diện hai họ phát biểu trao dâu và nhận rể. Đến giờ tốt, họ nhà trai và nhà gái cùng đưa cô dâu và chú rể về nhà trai tiếp tục lễ thành hôn. Cô dâu, chú rể làm lễ gia tiên bên nhà trai và lễ tơ hồng tạ ơn nguyệt lão se duyên cho họ trăm năm hạnh phúc.

Lễ lại mặt: Sau ba ngày, đôi vợ chồng mới cưới về nhà ngoại để tạ ơn công lao của bố mẹ vợ. Hiện nay thanh niên được tự do tìm hiểu nhau nhưng ý kiến của cha mẹ vẫn rất quan trọng; thủ tục cưới xin đơn giản, lịch sự và phải ra chính quyền đăng ký kết hôn.

Trong năm, đồng bào Kinh có nhiều lễ, tết như: Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Hàn Thực, Đoan Ngọ, Trung Thu,… Trong đó quan trọng nhất là tết Nguyên Đán vào mùng Một tháng Giêng ( Âm lịch). Ngày 30 tháng Chạp, tất cả mọi người đều dừng hết công việc để quét dọn nhà cửa, đi chợ sắm tết và chuẩn bị mâm cơm tất niên cúng gia tiên. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình làm lễ cúng giao thừa với các đồ lễ gồm: xôi, gà, rượu,… Việc cúng tổ tiên được duy trì trong suốt 3 ngày đầu năm mới. Trên bàn thờ, không thể thiếu bánh chưng và mâm ngũ quả tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ.

Dân tộc Kinh có kho tàng văn học dân gian phong phú, đa dạng. Về văn học dân gian có các thể loại truyện cổ, ca dao, tục ngữ,… Văn học viết có những tác phẩm về khoa học, lịch sử, văn học như: Đại việt sử ký toàn thư, Truyền Kiều,… Nghệ thuật phát tiển sớm và đạt trình độ cao về nhiều mặt như: Ca hát, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, múa, diễn xướng.

Xuất phát từ truyền thống coi trọng đạo hiếu nên tang ma của người Kinh được tổ chức rất chu đáo. Khi người thân tắt thở, chủ gia làm lễ mộc dục ( tắm rửa cho người chết bằng nước thơm), lễ phạn hàm ( bỏ một ít gạo hoặc tiền vào miệng). Khâm liệm người chết thì tùy theo gia cảnh, nếu khá giả thì dùng vóc, nhiễu, tơ lụa. còn nhà nghèo khó thì dùng vải trắng may đồ đại niệm ( tấm chăn lớn bọc ngoài có một đai buộc dọc và năm đai buộc ngang) hoặc tiểu niệm ( chăn nhỏ bọc thi thể). Sau đó đưa thi hài vào quan tài đem đặt giữa nhà, đầu luôn hướng ra ngoài sân và trên nắp đặt 7 ngọn nến, lư hương, một bát cơm với đôi đũa bông kẹp giữa một quả trứng gà luộc. Trước linh cữu đặt linh tọa ( bàn thờ vong) gồm bài vị, ảnh, đèn cầy, hồn bạch. Đến giờ được chọn, gia chủ phát tang. Thân quyến họ hàng dâng lễ lên linh tọa. Gia quyến mặc tang phục, luôn phiên túc trực bên linh cữu để lễ tạ ơn người đến viếng. Ngày chôn cất làm lễ phát dẫn, thân quyến họ hàng đi đưa tang ( tống tang). Đoàn người khiêng hương án ( bày đồ tam sự, mâm ngũ quả, ảnh ( bài vị), minh tinh ghi thụy hiệu treo trên cành tre) đi trước. Tiếp đến, con trai trưởng chống gậy theo sau. Họ hàng thân thích đi bên linh cữu hộ tang, vừa đi vừa rắc vàng mã dọc đường. Sau khi chôn cất gia đình tổ chức cúng tam nhật ( 3 ngày), thất tuần ( 49 ngày) và bách nhật ( 100 ngày); sau một năm làm lễ tiểu đường, bỏ đồ xôi gai, gậy,… Thông thường sau 3 – 5 năm gia đình cải táng. Con cháu làm lễ kính cáo với tổ tiên, lễ báo với thổ thần xin cải táng, chuyển xương cốt từ quan tài vào tiểu sành, chôn sang mộ mới. Hàng năm tổ chức cúng giỗ tưởng nhớ người quá cố.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc xã Chiềng Mai vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống, đồng thời tiếp thu những nét đẹp văn hóa của các dân tộc khác, tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Phong tục, tập quán giữ nguyên giá trị và được lưu giữ đến các đời sau, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng sâu sắc của đồng bào các dân tộc./.

Tác giả: Theo Lịch sử Đảng bộ xã Chiềng Mai ( 1945 - 2015)
Tin tức
Đăng nhập