HOẠT ĐỘNG UBND XÃ
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIỆN XÃ CHIỀNG MAI, HUYỆN MAI SƠN, TỈNH SƠN LA.

Quang cảnh trung tâm xã Chiềng Mai

Xã Chiềng Mai nằm ở phía Tây Bắc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; cách trung tâm huyện 30 km. Phía Bắc giáp xã Chiềng Mung; phía Nam giáp 02 xã: Chiềng Ve và Chiềng Kheo; phía Tây giáp 02 xã: Chiềng Dong và Chiềng Ban; phía Đông giáp xã Hát Lót. Xã có hệ thống giao thông ( liên bản, liên xã) khá hoàn thiện, có Quốc lộ 4G và trục đường Chiềng Mai – Hát Lót chạy qua, thuận lợi giúp người dân mở rộng quan hệ giao thương hàng hóa, kinh tế và giao lưu văn hóa với các địa phương lân cận.

Năm 2015, tổng diện tích tự nhiên của xã là 2.136 ha; trong đó, đất nông nghiệp có 1.610,67 ha ( chiếm 75,41%). Đất chia làm 4 nhóm chính: đất đỏ vàng, đất đá vôi, đất đỏ vàng biến đổi và đất khác. Nhóm đất đỏ vàng có độ phì nhiêu cao, tầng dày, tỷ lệ mùn thích hợp cho các loại cây ăn quả. Nhóm đất đá vôi có độ phì nhiêu kém, thường bạc màu, phù hợp với trồng cây lâm nghiệp. Nhóm đất đỏ vàng biến đổi được người dân khai thác trồng lúa nước.

Địa hình chủ yếu là núi đá vôi xen kẽ thung lũng, tương đối bằng phẳng và kéo dài xuôi về hướng Nam, độ cao trung bình từ 600 – 700 m so với mực nước biển. Do cấu tạo địa chất, trên địa bàn có hang Lợn ( Thẳm Mu) nằm trên dãy núi Pọm Tếnh Hươn ( núi sau nhà, bản) thuộc bản Ban – trung tâm xã Chiềng Mai. Theo nhân dân địa phương, tên gọi là hang Lợn  bắt nguồn từ việc trước kia gần cửa hang có rất nhiều tượng lợn được đục đẽo bằng đá. Tuy nhiên, hiện chỉ còn một tượng lợn bằng đá nằm cách cửa hang 30 m.

Cửa chính của hang nằm ở phía Đông Nam, rộng 5 m, cao 4,5 m; lên trên thu hẹp lại theo hình thang và được chia làm 2 khoang liền: Từ cửa hang vào khoang thứ nhất có chiều dài 8 m, vòm khoang cao từu 5 – 6 m theo hình cầu vồng; hai bên vách có khắc chữ Thái và chữ Hán. Vách phải nằm ngay cửa và sát nền hang, là tấm bảng hình vuông đục sau 0,5 m ( chiều dài cạnh 1,2  x  1,2 m) khắc 25 dòng chữ Thái cổ. Phía trên của bảng ( hướng lên trần, cách 0,5)  mài nhẵn và khắc hơn 30 dòng chữ Thái ngày nay bằng sơn đỏ. Mảng chữ có nhiều ngang 1,2 m và cao 2,5 m.

Vách trái cách cửa 7 m và nền hang 1,2 m , bị mài nhẵn theo chiều ngang từ 0,8 – 1,2 m; có hai mảng chữ Hán chữ Thái cách nhau 0,5 m. Ở đây, vết khắc tương đối rõ và có độ nét cao. Trên vách có hai mảng chữ: Mảng thứ nhất ( phía dưới) cao 0,45 m và ngang 0,95 m; gồm 15 hàng dọc chữ Hán và 5 hàng ngang chữ Thái cải tiến. Nét chữ khắc nông, nhỏ, mềm mại. Mảng thứ hai khắc 11 hàng dọc chữ Hán và 6 hàng ngang chữ Thái cải tiến. Phía trên cùng của vách là 18 hàng chữ Thái cải tiến sơn đỏ.

Nội dung các bia khắc trong hang ghi lại công trạng của các viên Tri châu Mai Sơn thời Lê Cảnh Hưng ( 1779) và thời Minh Mệnh ( 1820 – 1840). Một vách khắc nội dung được dịch ra như sau: “ Sắc phong cho ông Đinh Ban là Phụ đạo châu Mai Sơn làm Quản dân phòng Ngự sử vì có công giúp lương thực, tiền bạc cho quốc gia làm công tác quản dân phòng năm Cảnh Hưng thứ 4 ( 13/10/1779). Bố chính Cầm Văn Uy ghi lại vào ngày tốt tháng 3 năm Bảo Đại thứ 5 ( 1930)”.

Bia khác ghi lại: “ Chế phong cho tôi trấn châu Mai Sơn là Cầm Văn Uy khi về các mệnh chức Hồng Lô tự khanh Huy chương Bắc Đẩu bội tinh, ngày 01 tháng  Giêng năm Bảo Đại thứ 2 ( 1927)”.

Khoang thứ hai tiếp giáp khoang thứ nhất, có hình tam giác cân, đáy rộng 1 m, chiều cao 1,7 m. Vòm khoang cao từ 3 – 5 m, sâu khoảng 10 m và rộng 6 m. Nền hang dốc, tối và đã bị đào bới. Song với ý thức và trách nhiệm đối với hậu thế, nhân dân Chiềng Mai đã bảo vệ khá tốt hiện trạng.

Ngoài hang Lợn ( Thẳm Mu), trên địa bàn xã Chiềng Mai còn có hang Thẩm Kíu Lìn thuộc bản Cuộm 2 ( nay là bản Cuộm Sơn), Thẳm Lọt ( bản Ban), Nặm Bó Bông, Bó Ban. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các hang ( thẳm) là nơi sơ tán của nhân dân và cán bộ, đảng viên trong xã và các đơn vị xã khác xung quanh.

Khí hậu ở xã Chiềng Mai mang đặc trưng nhiệt đới gió mùa. Tính theo lượng mưa, một năm có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, có nhiệt độ trung binh là 23,8oC; mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa trung bình là 1.416 mm. Địa bàn xã chịu ảnh hưởng của 2 hướng gió chính là gió Đông Bắc ( lạnh, khô) và gió Đông Nam ( nóng, ẩm). Thời tiết thất thường ( khô hạn, sương muối, bão gió,…) tác động đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Trên địa bàn xã có nhiều con suối chảy qua nhưng lớn nhất là con suối Mụa ( suối Chiềng Mai) có chiều dài 9 km, bắt nguồn từ xã Chiềng Dong chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và kết thúc ở bản Nà  Đốc. Suối Nậm Mụa bắt nguồn từ bản Bon cũ chảy qua bản Vựt ( nay là bản Vựt Bon), đi qua Tiểu khu Ngã Ba rồi đổ vào suối Mụa. Ngoài ra còn có Huổi Vựt, Huổi Dên, Huổi Xiểu, Huổi Ngạn ( huổi dịch ra nghĩa là suối). Tuy nhiên, phần lớn là các suối nhỏ, độ dốc cao nên mùa mưa thường gây lũ quét.

Năm 2015, tổng diện tích rừng của xã là 886 ha; trong đó, rừng phòng hộ là 237 ha và rừng sản xuất là 649 ha. Hệ động – thực vật đa dạng; gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào.

Nhìn chung, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho xã phát triển đa dạng các loại cây trồng và vật nuôi. Những năm gần đây, được sự quan tâm và đầu tư của các cấp, xã Chiềng Mai từng bước đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, tận dụng và khai thác tốt tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Tác giả: Theo Lịch sử Đảng bộ xã Chiềng Mai (1945 - 2015)
Tin tức
Đăng nhập